Chắc chắn, để có chất lượng âm thanh tốt nhất cho chiếc PC của mình, bạn sẽ cần đến một card âm thanh chuyên dụng. Ngày nay, nhiều bo mạch chủ PC hiện đại đều đã được tích hợp các phần cứng âm thanh khá tốt. Dẫu vậy, điều đó không có nghĩa là không có chỗ đứng cho card âm thanh chuyện dụng.
Thế mạnh của card âm thanh chuyên dụng là gì?
Các công ty sản xuất card âm thanh lâu đời, chẳng hạn như Creative, cũng như những nhà sản xuất phần cứng PC, ví dụ như Asus và EVGA, vẫn sản xuất nhiều phần cứng card âm thanh chuyên dụng.
Nhưng ai sẽ mua chúng? Liệu chúng có đáng để đầu tư không? Dù đã có phần cứng âm thanh tích hợp sẵn, bạn có cần đến một card âm thanh trên chiếc PC hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào “nhu cầu” của bạn là gì.
Thực tế, phần cứng âm thanh được tích hợp trong những bo mạch chủ ngày nay đều đáp ứng đủ tốt nhu cầu của hầu hết mọi người. Tuy nhiên, nó chắc chắn không thể mang lại độ rõ ràng, chi tiết và hiệu ứng như các phần cứng âm thanh chuyên dụng.
Nhiễu âm thanh
Vấn đề chính ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh trên PC đó chính là sự nhiễu điện. Bo mạch chủ là một nơi hoạt động trung tâm, với các xung điện di chuyển qua những làn PCIe giữa GPU và CPU. Đấy là chưa tính đến tác vụ mà chipset đang thực hiện. Sau đó đến RAM, các kết nối USB và cuối cùng là những ánh đèn RGB lấp lánh.
Mọi thứ trong quá trình này đều tạo ra nhiễu nền (background hiss), có thể làm giảm chất lượng âm thanh tổng thể. Để giảm lượng nhiễu có thể xuất hiện, nhiều nhà sản xuất đã thực hiện cách ly và che chắn cho những linh kiện âm thanh có trên bo mạch chủ. Điều này chắc chắn cải thiện tình hình, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng nhiễu điện.
Thông thường, khá khó để bạn nhận ra tiếng nhiều này và nó sẽ rõ hơn khi chiếc PC của bạn đang hoạt động hết mức. Nếu cắm tai nghe, tăng âm lượng lên hết cỡ rồi bắt đầu truyền tải 1 file lớn, bạn sẽ nghe được tiếng nhiễu (tiếng xì xì) này. Nói đúng hơn, bạn sẽ nhận thấy nó khi game đang ở màn hình tải hoặc khi đợi máy tính xử lý các tác vụ nặng khác mà không phát bất cứ âm thanh nào.
Tuy nhiên, khi sử dụng 1 card âm thanh chuyên dụng, nó không chỉ có thể khiến tiếng nhiễu khó chịu ấy mất đi, mà còn giúp bạn nghe được những âm thanh mà bạn chưa từng nghe thấy trước đây. Đây rõ ràng là một ích lợi cực kỳ tuyệt vời.
Bạn sẽ thấy sự khác biệt này rõ hơn khi chơi game. Những âm thanh trong game thường có độ chi tiết cao hơn và sống động hơn. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ giúp bạn phát hiện tiếng chân của kẻ địch chính xác hơn so với khi không sử dụng card âm thanh.
Nhờ đó, chất lượng âm thanh của 1 tai nghe stereo cũng được cải thiện. Tất nhiên, nếu đi cùng tai nghe “xịn hơn”, sự cải thiện này còn tuyệt vời hơn.
Tai nghe “xịn” có phải là một khoản đầu tư phù hợp hơn không?
Một trong những câu trả lời phổ biến nhất mà bạn nhận được khi hỏi rằng liệu có nên mua card âm thanh hay không: “Tốt hơn hết, bạn nên chi số tiền đó cho 1 bộ tai nghe chất lượng cao“. Thực tế, card âm thanh cũng có giá rất vô chừng, từ 500.000 đồng cho đến 10 triệu, hoặc thậm chí lên đến con số 100 triệu đồng.
Những tai nghe tốt chắc chắn sẽ cải thiện trải nghiệm thưởng thức âm nhạc của bạn, nhưng chỉ riêng nó thì không đủ để khắc phục tình trạng nhiễu điện vốn có trên hệ thống âm thanh tích hợp của bo mạch chủ. Thậm chí, nó còn có thể tạo ra tiếng nhiễu rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, card âm thanh sẽ đảm nhiệm mọi quá trình xử lý âm thanh từ bo mạch chủ. Nó vẫn gần với nguồn gây nhiễu, thế nhưng, việc giao nhiệm vụ xử lý âm thanh cho 1 công cụ chuyên dụng chắc chắn sẽ tạo ra sự khác biệt.
Dẫu vậy, card âm thanh không phải là giải pháp duy nhất cho những vẫn đề liên quan đến âm thanh trên PC. Một giải pháp thay thế khác là sử dụng DAC (Digital-to-Analog Converter: Bộ giải mã tín hiệu số sang tín hiệu tương tự) bên ngoài. DAC sẽ chuyển đổi tín hiệu số có trên máy tính thành âm thanh tương tự (analog) mà tai nghe hoặc loa cần để phát ra.
Những thiết bị DAC dành cho người dùng cơ bản thường tích hợp sẵn bộ khuếch đại, và bạn chỉ cần đặt nó trên bàn, cắm tai nghe hoặc loa vào và tận hưởng. Nhiều người xác nhận, DAC sẽ giúp tách âm thanh ra khỏi bất kỳ nhiễu điện nào từ bo mạch chủ.
Bên cạnh đó, DAC cũng có thể hoạt động với nhiều thiết bị khác, thế nên, bạn có thể tận hưởng âm nhạc ở bất kỳ đâu mà không cần phải lo ngại bị “bó buộc” với desktop như card âm thanh bên trong.
Có nên mua card âm thanh chuyên dụng?
Chắc chắn rằng, card âm thanh sẽ cải thiện trải nghiệm âm thanh cho PC. Tuy nhiên, việc có đáng bỏ tiền ra mua hay không lại phụ thuộc vào trải nghiệm và sở thích cá nhân của bạn. Âm thanh không giống như kết quả benchmark đồ họa nhằm xác định GPU có hiệu năng mạnh mẽ hay không.
Riêng với âm thanh, chắc chắn bạn đã từng nghe qua các thuật ngữ như tiếng ấm, giọng ngọt, âm trầm (bass) sâu hay độ chi tiết rõ ràng ở đâu đó. Tất cả những đánh giá này hoàn toàn là chủ quan. Việc âm thanh nghe hay hay không phụ thuộc vào những gì mà bạn muốn trải nghiệm.
Nếu muốn có âm thanh tốt nhất cho chiếc PC của mình, card âm thanh hoặc DAC có thể giải quyết mọi vấn đề mà những bộ tai nghe tốt hơn không thể làm. Không chỉ tai nghe, các phần cứng chuyên dụng cũng sẽ cải thiện chất lượng cho những bộ loa mà bạn đang sử dụng.
Tóm lại, bất cứ nhu cầu của bạn là gì, hãy mua một bộ tai nghe/loa cũng như card âm thanh hoặc DAC thật tốt để có thể tận hưởng sự tuyệt vời từ âm thanh.
Theo How To Geek
- Giải pháp lắp đặt Camera giám sát cho Xe khách, xe Buýt, xe Du lịch
- Giải pháp camera giám sát hành trình theo nghị định 10/2020
- 5 xu hướng công nghệ năm 2021
- Giải pháp quản lý dữ liệu Dell EMC PowerProtect Data Manager
- Hướng dẫn mở lại tài khoản Facebook bị block
- 3 mẫu laptop mỏng nhẹ, card đồ họa mạnh mẽ, tầm giá từ 20 đến 22 triệu
- Tương lai làng công nghệ 2021