1. Đầu tiên: Build cấu hình dựa trên yếu tố nào?
Rất nhiều bạn build cấu hình dựa theo tựa game mà họ muốn chơi, ví dụ như cấu hình để chơi LOL max settings, cấu hình để chơi được GTA 5 hay PlayerUnknown’s Battlegrounds… Cách build này có nhược điểm là khó chơi được lâu dài bởi vì nếu trong quá trình chơi mà bạn thích thêm một tựa game khác đòi hỏi cấu hình cao hơn thì lúc đó bạn sẽ nghĩ đến việc nâng cấp máy. Tức là bạn sẽ lại tốn tiền một cách quá sớm.
Kinh nghiệm của mình là build theo độ phân giải màn hình. Ví dụ bạn đang có sẵn màn hình Full-HD, hay bạn xác định chỉ chơi game ở Full-HD là đủ rồi thì lúc đó bạn nên build một cấu hình vừa đủ mạnh để xử lý mọi game ở độ phân giải này. Bằng cách này, bạn sẽ thoải mái chiến được nhiều game hơn mà không cần quan tâm cấu hình mà chúng yêu cầu. Ví dụ chỉ cần dùng card GTX 1050 hoặc 1060 là đã chơi game Full-HD được ngon lành, chơi game 2K thì chọn 1070, 4K thì 1080 hoặc 1080 Ti. Còn về sau này VGA có nâng cấp lên các series cao hơn thì bạn cứ tìm hiểu theo cách này sẽ cảm thấy dễ chọn linh kiện hơn.
2. Mainboard: Có nên tốn quá nhiều tiền cho mainboard?
Mainboard thường hơi khó chọn đối với những bạn mới bắt đầu build cấu hình vì chúng có rất nhiều loại và rất nhiều giá, giá 2 triệu cũng có mà gần chục triệu cũng có. Hiện tại (và rất nhiều năm sau nữa) mainboard được chia thành hai dòng chính: main cho CPU của Intel và main cho CPU của AMD. Mỗi dòng chính đó lại có rất nhiều loại chipset khác nhau. NHƯNG cái bạn cần biết đó là: chúng khác nhau chủ yếu về số lượng khe cắm, cổng kết nối, sau đó là các tính năng phụ trợ.
Bạn đừng ngần ngại chọn loại mainboard thuộc “dòng doanh nghiệp” hoặc một mainboard có giá quá rẻ so với giá trung bình. Ví dụ hiện tại có nhiều bạn sẵn sàng (hoặc được tư vấn) chọn mainboard dòng B-series (Intel) giá chỉ tầm 2 triệu để ráp máy chơi game mặc dù dòng B lại được định hướng dành cho doanh nghiệp. Bởi vì giá của chúng khá rẻ nhưng vẫn đáp ứng được mọi nhu cầu cơ bản của một dàn máy chơi game. Do đó, để chọn mainboard phù hợp với nhu cầu và giá tiền, bạn hãy nhớ chọn mainboard theo các yếu tố sau:
- Gắn được loại CPU của bạn: ví dụ bạn dự định dùng CPU Intel loại LGA 1151 thì hãy chọn main hỗ trợ LGA 1151.
- Có hỗ trợ Overclock cho CPU hay không: Nếu CPU của bạn là loại có khả năng Overclock thì nên chọn loại main có chipset hỗ trợ việc Overclock. Ví dụ CPU Core i7-7700K có Overclock, còn i7-7700 thì không. Mainboard dùng chipset dòng Z và X (ví dụ như Z270, X299) mới có khả năng Overclock CPU, còn các chipset còn lại (H, Q, B) không hỗ trợ Overclock. Bạn nên chọn main và CPU tương ứng để tận dụng hết hiệu năng của chúng cũng như tránh lãng phí về tiền bạc.
- Gắn được VGA của bạn: ví dụ bạn chỉ gắn một card VGA duy nhất và không bao giờ có ý định dùng đến hai card thì tại sao phải tốn tiền cho một cái mainboard có nhiều hơn một khe PCIe? Còn nếu bạn lo xa chọn main có nhiều khe PCIe để sau này VGA rẻ sẽ mua thêm một cái chạy SLI (hoặc Crossfire) thì sai lầm, bởi vì đợi đến lúc đó có khi đã có VGA đời mới mạnh hơn đời cũ của bạn chạy SLI rồi.
- Gắn được đủ thanh RAM của bạn: mainboard có loại 2 khe cắm RAM, có loại 4 khe và cũng có loại đến 8 khe. Mua loại có 4 khe là tương đối thoải mái rồi, còn nếu tài chính hạn hẹp thì cứ chọn loại 2 khe cũng còn rất ổn để chơi game. Hai thanh RAM có thể gắn được tổng cộng từ 8 đến 32 GB nên việc nâng cấp dung lượng RAM sau đó khá dễ dàng.
3. CPU: Hiện tại đã quá mạnh
Chọn CPU Intel hay AMD là tuỳ ở bạn. Ở cùng một phân khúc thì CPU của hai hãng sẽ hơn kém nhau ở một vài điểm không quá đáng kể. Điều quan trọng nhất là bạn khoan hãy quyết định chọn một CPU dòng cao (ví dụ: Core i7 trở lên), mà hãy xem xét liệu những con thấp hơn như i5, i3 hay thậm chí thấp hơn nữa là Pentium G có đủ mạnh để giúp bạn chơi game chưa, bởi vì nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền nếu chọn đúng CPU.
Tìm hiểu bằng cách lên YouTube, search tên CPU mà bạn quan tâm kèm theo các từ khoá như “review”, “benchmark”, “comparison”, “gaming”. Ví dụ: “Core i3-6100 gaming”, bạn sẽ thấy có rất nhiều video nói về hiệu năng của con i3-6100 bằng cách chơi thử những game phổ biến nhất hiện nay. Đây là một phương pháp vô cùng trực quan để bạn biết được con CPU của bạn có đủ mạnh để chơi các game mới hay không. Đừng ngạc nhiên khi bây giờ vẫn còn nhiều người dùng những con CPU Pentium G4400 hoặc G4560 để chơi game, đơn giản vì nó quá rẻ và vẫn chơi được nhiều game ở mức trung bình khá.
Nếu bạn muốn có sự an toàn về sức mạnh, tức là mua dư ra một xíu, thì chọn Core i5 hoặc tương đương vẫn OK chứ không nên lên quá cao như i7 trở lên. Lý do là vì nếu bạn chọn một cấu hình quá cao so với nhu cầu thì nó sẽ kéo theo khá nhiều chi phí khác nữa. Thứ nhất là giá CPU, thứ hai là giá mua thêm quạt tản nhiệt vì nhiều con không kèm quạt (ví dụ như i7-6700K), thậm chí là phải mua tản nhiệt nước để tản nhiệt tốt hơn, rồi còn phải mua bộ nguồn có công suất cao hơn để kéo được con CPU đó và sau cùng là tiền điện cũng sẽ tăng lên theo. Cho nên trừ khi nhu cầu của bạn thật sự cao hoặc có tài chính dư dả, bạn hãy chọn CPU đúng với nhu cầu thật để không cảm thấy bị “sốc” trước cái giá sau cùng.
4. VGA: Nên tập trung đầu tư vào đây
Chơi game thì nên đầu tư mạnh vào hai món theo thứ tự giảm dần: VGA và CPU. Hầu hết game đều bào VGA nhiều hơn là bào CPU. Do đó bạn nên chọn một cái VGA đủ mạnh để chơi với cái độ phân giải màn hình của bạn. VGA tuy mỗi năm đều có nhiều dòng ví dụ như NVIDIA thì có GTX 1050 đến 1080 Ti, AMD thì có RX480 đến 580 nhưng bạn chỉ cần biết rằng: mỗi một dòng card sẽ đảm bảo được việc chơi game mượt mà ở một độ phân giải và số khung hình nhất định. Bạn không cần tìm hiểu quá nhiều về từng thông số phức tạp của card. Chỉ cần tìm những bài hoặc video review VGA trên YouTube tương tự như cách tìm hiểu với CPU nói trên thì bạn sẽ biết được dòng VGA đó đủ mạnh để chơi ở độ phân giải nào. Ví dụ bạn đã có màn hình Full-HD thì chỉ cần chọn VGA GTX 1050 hoặc GTX 1060 là quá đủ, không cần phải mua 1070, dù cho bạn mua 1070 về chỉnh game lên 2K để chơi thì màn hình cũng chỉ hiển thị ở mức Full-HD mà thôi.
5. Màn hình: Full-HD hay 2K? Ultrawide hay không Ultrawide?
Nếu chịu chơi game ở Full-HD, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền so với việc build cấu hình để chơi game 2K. Thật sự chơi game ở Full-HD cũng chẳng đến nỗi quá xấu nếu bạn đừng chọn màn hình quá to. Theo mình cảm nhận thực tế qua nhiều kích thước thì Full-HD chỉ phù hợp với những màn hình từ 22” trở xuống. Từ 22” trở lên mật độ điểm ảnh quá thưa sẽ làm cho hình ảnh và chữ bị rổ và xấu đi, không còn sắc nét nữa.
Nếu chọn màn hình 2K thì bạn phải chọn VGA đủ mạnh để xử lý game ở 2K, CPU cũng tương tự, bộ nguồn cũng phải cao hơn để gánh VGA và CPU mạnh.
Về loại màn hình siêu dài Ultrawide (tỷ lệ 21:9). Mặc dù nhìn chúng đẹp và quyến rũ nhưng lại không phù hợp để chơi với đa số game. Lý do là nhiều game không hỗ trợ tỷ lệ 21:9, các game cũ xưa (nhiều game hay) lại càng không hỗ trợ. Cá nhân mình thấy màn hình Ultrawide chỉ hợp để làm việc nhiều cửa sổ, còn để chơi game sẽ hơi mỏi cổ nếu cứ xoay qua lại để nhìn vào một màn hình dài.
6. RAM: Dễ chọn, giá rẻ
RAM là thứ rất dễ chọn khi build cấu hình bởi vì chúng không có nhiều loại. Ví dụ hiện tại chỉ có DDR4 và DDR3. Các thông số của RAM được nhắc tới nhiều nhất đó là:
- Dung lượng RAM, bao nhiêu là đủ? Hiện tại 16 GB là mức RAM được nhiều game thủ lựa chọn, nhưng mình vẫn tự tin gắn 8 GB RAM để chơi game. Tại sao? Vì mình lên YouTube search 8 GB RAM với những tựa game mình hay chơi thì thấy nó vẫn chạy ngon lành 😁 Thật ra nếu nhu cầu đa nhiệm của bạn cao hơn ví dụ như vừa chơi game vừa livestream hoặc vừa quay phim màn hình thì lúc đó mới nên nghĩ tới việc dùng 16 GB hoặc nhiều hơn. Còn sau này khi các game có đòi hỏi nhiều RAM hơn thì chúng ta lại tự tìm hiểu tiếp.
- BUS bao nhiêu, độ trễ bao nhiêu? Độ trễ (CAS) của RAM nếu bạn thích thì có thể tìm hiểu thêm chứ mình chẳng bao giờ quan tâm đến chúng khi build máy tính chơi game. Thông số BUS cũng vậy, mặc dù có nhiều loại ví dụ như BUS 3200 MHz, 2400 MHz, 2166 MHz… nhưng sự khác biệt giữa chúng gần như không thể cảm nhận được. Ví dụ như trên cùng một cấu hình, thì RAM DDR4 2400 MHz và DDR4 3200 MHz gần như không tạo ra sự chênh lệch về FPS, nhiệt độ hệ thống, % tải của CPU, % VGA trong lúc chơi game.
7. Ổ cứng HDD, SSD
Nên mua theo combo này: 1 ổ SSD dung lượng nhỏ (tầm 128 GB) + 1 ổ HDD dung lượng to. SSD để chứa hệ điều hành và 1-2 game hay chơi nhằm mục đích khởi động nhanh, shutdown nhanh, load game nhanh. HDD thì dùng để chứa data. Còn nếu đủ tiền mua SSD dung lượng lớn thì bạn cứ thoải mái nhé.
8. Thùng máy: Đừng xem thường
Thùng máy là cái thứ mà nhiều bạn bỏ bê nhất, sẵn sàng bỏ ra mấy triệu đồng cho CPU và VGA nhưng khi mua thùng máy thì chỉ mua đại một cái rẻ nhất. Thùng máy thường không được coi trọng nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều đến trải nghiệm sử dụng mỗi ngày của các bạn, ví dụ như:
- Chất lượng hoàn thiện của vỏ, nước sơn có đẹp hay không, nhìn có liền lạc không, có dễ bị tróc không.
- Sự chắc chắn của thùng máy: vật liệu vỏ có đủ cứng cáp hay không, khung máy có vững không. Cái này quan trọng bởi vì nếu thùng máy quá nhẹ hoặc khung quá yếu, lúc hoạt động nó dễ bị quạt của CPU, quạt của VGA và quạt của thùng máy làm cho lung lay, tạo ra tiếng ồn rất khó chịu.
- Nội thất rộng rãi: dễ gắn linh kiện, dễ đi dây. Một thùng máy nhỏ hẹp, có quá ít khe để gắn ổ cứng hoặc vị trí gắn không thuận lợi đều sẽ gây cho bạn khó khăn trong lúc lắp linh kiện vào thùng máy. Sự khó khăn đó sẽ còn tiếp diễn cho đến lúc bạn bắt đầu đi đây bên trong thùng, đi dây sao cho gọn, cho đẹp và an toàn. Hãy lên website của hãng để xem trước nội thất thùng máy thế nào trước khi quyết định chọn mua nó.
- Gắn được nhiều quạt không? Cái này quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả tản nhiệt của thùng máy. Ví dụ bạn đặt đuôi thùng máy sát tường thì nên ưu tiên thùng máy có thể gắn quạt ở cạnh trên và phía trước để không khí dễ dàng lưu thông, thùng máy dễ đem hơi nóng ra ngoài và đưa hơi mát vào bên trong.
9. Bộ nguồn: bao nhiêu Watt là đủ
Nhiều bạn thắc mắc nên dùng bộ nguồn bao nhiêu Watt. Cấu hình càng cao thì sẽ đòi hỏi Watt càng lớn. Để xác định cấu hình máy của bạn cần bao nhiêu Watt, bạn hãy dùng website này: http://www.coolermaster.com/power-supply-calculator. Điền thông tin cấu hình máy của bạn vào, website sẽ trả lời cấu hình đó cần bao nhiêu Watt (tính theo thông số TDP của từng linh kiện). Sau khi có được con số Watt, bạn cứ đi mua bộ nguồn có công suất Watt cao hơn con số đó là ổn.
Xong
Hoàn thành các bước trên là coi như bạn đã có một cấu hình khá hợp lý rồi đó. Bạn có thể mua thêm những linh kiện bổ sung như USB Wi-Fi gắn ngoài hoặc card Wi-Fi gắn trong, Bluetooth adapter nếu có nhu cầu sử dụng kết nối không dây. Chúc các bạn vui vẻ và sớm có máy tính chơi game.
- Giải pháp lắp đặt Camera giám sát cho Xe khách, xe Buýt, xe Du lịch
- Giải pháp camera giám sát hành trình theo nghị định 10/2020
- 9 lời khuyên giúp nâng cao bảo mật an ninh mạng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
- Hàng loạt giải pháp lưu trữ mới của Dell hướng đến Doanh nghiệp
- Giải pháp quản lý dữ liệu Dell EMC PowerProtect Data Manager
- Tương lai làng công nghệ 2021
- Bên trong máy MacBook mới chip M1 có gì?